Kế hoạch nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thành phố; Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nâng cao chỉ số PCI và PAPI; Khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao, vận dụng kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2025 trên địa bàn thành phố tăng 5-5,5% so với thực hiện năm 2024.
Giải pháp thực hiện
1. Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới.
2. Xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, trong đó chú trọng tới chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ.
3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
4. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp tập trung, hệ thống dịch vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu.
5. Nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới, trong đó tăng cường phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương, các Đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố cả nước, hạn chế các hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực.
Tổ chức thực hiện
Sở Công Thương, Cục Hải quan Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tổ chức các chương trình tập huấn, hội nghị đối thoại cho các doanh nghiệp về: Thông tin thị trường nước ngoài, các hiệp định thương mại tự do, chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu, cảnh báo về các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo hộ mậu dịch của các nước, khu vực cũng như các vụ điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường; nâng cao năng lực của doanh nghiệp logistics; nghiệp vụ thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc về quy trình, thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.
Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2025; Triển khai Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực sản xuất thử nghiệm, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất. Tham gia các hội nghị, hội thảo chuyên đề của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố phổ biến các quy định tại các văn bản pháp luật mới hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp..., các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên mới ký kết tới các doanh nghiệp và đối tượng liên quan. Đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các doanh nghiệp về thị trường, ngành hàng, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu của các nước, cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do...; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Nghiên cứu tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước vượt qua các rào cản ở các nước nhập khẩu; chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến nông nghiệp có quy mô lớn, mang tính định hướng, dẫn dắt thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Chủ động cập nhật cơ sở dữ liệu trong cả 4 lĩnh vực: Đầu tư, thương mại, du lịch và nông nghiệp. Tập trung cho công tác thu thập, xây dựng thông tin, dữ liệu ngành hàng, dữ liệu về các doanh nghiệp, các thông tin hữu ích doanh nghiệp quan tâm. Thực hiện công tác thu thập, cung cấp thông tin, hình ảnh của các sự kiện; liên quan tới các chủ trương, chính sách; thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin hữu ích khác để hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin, tiếp cận thông tin tập trung, hiệu quả.
Tăng cường phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương, các Đại sứ quán, các Thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố cả nước, hạn chế các hoạt động đơn lẻ. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ. Chủ động gắn kết, tăng cường nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến tổng hợp, gắn kết đồng bộ các ngành, lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; hợp tác với các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp nhiều lĩnh vực để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh khai thác đặc điểm vị thế chính trị - kinh tế, hướng tới một điểm đến hấp dẫn. Tổ chức các Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại một số thị trường trọng điểm; tìm kiếm cơ hội và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các kênh xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối tại các thị trường lớn của thế giới. Tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước định hướng xuất khẩu.
Cục Hải quan Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai một số thủ tục hải quan cấp Cục trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình của Tổng cục Hải quan. Vận hành Hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia VNACCS/VCIS; Đề án nộp thuế xuất nhập khẩu điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7; nộp lệ phí hải quan điện tử. Khai thác hiệu quả kho bãi, địa điểm đang hoạt động gắn với địa điểm làm thủ tục hải quan. Hỗ trợ, phát triển đại lý hải quan, doanh nghiệp logistics trên địa bàn.
UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; phân công rõ trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành để chủ động triển khai và kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố.