Khẩn trương ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3 (22:53 28/09/2024)


HNP - Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3.  

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương


Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành và 26 tỉnh, thành phố phía Bắc ảnh hưởng bão số 3.
 
Dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố…

Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn để khắc phục với tinh thần vì Nhân dân và sự phát triển của đất nước
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tinh thần của Nhân dân. Hậu quả và những ảnh hưởng của cơn bão là hết sức nặng nề.
 
Nhấn mạnh, thời gian của Hội nghị ít, công việc nhiều, yêu cầu cao, đòi hỏi phải có hiệu quả ngay sau Hội nghị, với tinh thần "tất cả vì Nhân dân, tất cả vì sự phát triển đất nước", khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến, khẳng định những việc đã làm được, làm tốt, chỉ rõ những việc làm chưa tốt, tồn tại, hạn chế, khó khăn, rút ra các bài học kinh nghiệm, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp, góp ý vào văn bản chỉ đạo phù hợp là sản phẩm của Hội nghị để tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu đề ra nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn với 6 đặc điểm chưa có tiền lệ; trong đó, mưa đặc biệt lớn trên diện rộng, xuất hiện lũ lịch sử trên 7 tuyến sông lớn. tại Hà Nội cũng ghi nhận mực nước sông Hồng cao nhất trong 20 năm gần đây…
 
Ứng phó với bão, mưa, lũ, cả hệ thống chính trị và Nhân dân đã vào cuộc với tinh thần khẩn cấp, quyết liệt, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, do bị tác động dồn dập trong thời gian rất ngắn đã gây tổn thất nặng nề tại 26 tỉnh, thành phố từ vùng biển, đồng bằng đến trung du, miền núi. Đặc biệt, bão lũ, sạt lở đất đã làm 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương; thiệt hại về kinh tế ước tính ban đầu khoảng 81.503 tỷ đồng...
 
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ: Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo… và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng… đã tổng kết, rút ra nhiều kinh nghiệm quý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ. 
 
Đồng thời, chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, như: Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là khi xảy ra tình huống ở vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp như gió bão, mưa lũ lớn, sạt lở chia cắt…; khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng còn yếu; Công tác dự báo, cảnh báo sớm còn chưa chính xác; Chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, sắp xếp dân cư, công tác chỉ đạo ứng phó…
 
Chủ động theo phương châm "từ sớm, từ xa", không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại điểm cầu UBND Thành phố
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở diễn biến tình hình bão, thành phố Hà Nội đã chủ động theo phương châm từ sớm, từ xa, chỉ đạo kịp thời, trong đó yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, xây dựng kịch bản, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và mưa, lũ lớn theo phương châm “04 tại chỗ” một cách thực chất để đảm bảo sự chủ động ứng phó, không được lơ là, chủ quan trong mọi tình huống. Đồng thời, giao các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn trực tiếp xuống cơ sở để chỉ đạo.
 
Về thiệt hại, trên địa bàn Thành phố: Đã có 04 người chết và 28 người bị thương; khoảng hơn 40.000 cây bị gãy, đổ; làm tốc mái trên 3.000 mái tôn; gia súc chết trên 2.800 con; gia cầm chết, thất lạc trên 460.000 con; ngập nhà dân gần 30.000 hộ; lúa bị gẫy, đổ, dập nát trên 23.000 ha; lúa bị ngập trên 15.000 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng trên 13.000 ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng trên 9.000 ha, thủy sản bị ảnh hưởng trên 4.000 ha.
 
Đến nay, ngập nhiều ở các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Ứng Hòa do ảnh hưởng lũ rừng ngang. Đã xảy ra khoảng 40 sự cố đê điều, trên 150 sự cố công trình thủy lợi cùng các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt… Ước tính thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão là trên 2.287 tỷ đồng, trong đó trồng trọt 1.956 tỷ đồng; chăn nuôi 32 tỷ đồng; thủy sản 299 tỷ đồng.
 
Hà Nội đã kịp thời triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3: Tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người mất, người bị thương và gia đình bị thiệt hại do thiên tai; Tập trung huy động nhân lực, thiết bị xử lý các cây xanh bị đổ, gãy, bật gốc… trên địa bàn để đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; khôi phục hệ thống, đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin; đã sơ tán, di dời trên 78.000 người tại các địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ (hiện còn khoảng 10.000 người vẫn phải sơ tán) ở các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức.
 
Đến nay, Hà Nội đang tập trung triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão để ổn định đời sống Nhân dân, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và lãnh đạo Thành phố dự tại điểm cầu UBND Thành phố
 
Để làm tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương quan tâm nghiên cứu đề xuất đầu tư công trình điều tiết thượng nguồn sông Cà Lồ, góp phần cắt lũ, giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du, trong đó có thành phố Hà Nội. Hỗ trợ kinh phí, cho phép nghiên cứu, xây dựng và sớm triển khai đầu tư hệ thống công trình đê điều, thủy lợi và các hồ chưa lớn trên địa bàn Thành phố; đề án tổng thể nâng cấp hệ thống đê điều để hoàn chỉnh mặt cắt đê bảo đảm tối thiểu 02 làn xe và nâng cấp tải trọng xe đi trên đê góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
 
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất, áp dụng các giải pháp công trình, triển khai quy hoạch nhằm tiêu thoát nước cho sông Đáy và hỗ trợ, đề xuất các giải pháp ứng phó lũ rừng ngang khu vực sông Bùi, sông Tích thường xuyên gây ngập lụt trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức...
 
Nghiên cứu phương án xây dựng đập điều tiết ngang sông Hồng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được duyệt trong Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi, nhằm giải quyết đa mục tiêu, các vấn đề về nguồn nước tưới, tiêu hiện nay trên địa bàn Thành phố.
 
Ngoài ra, sớm ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai Luật Phòng thủ dân sự; điều chỉnh Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo hướng tăng mức hỗ trợ; tháo gỡ các vướng mắc khó khăn và sửa đổi bổ sung Nghị định số 78/2021/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện.
 

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện rất rõ

 
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các Thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành, các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các lực lượng chủ công như Quân đội, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương… trực tiếp ứng phó tại hiện trường; các tập đoàn trong lĩnh vực điện lực, viễn thông đã vào cuộc ngay, tích cực; cảm ơn Nhân dân, doanh nghiệp đã luôn chia sẻ, đồng hành, rất ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa các lực lượng, các bộ, ngành, việc huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp, tinh thần đại đoàn kết được thể hiện rất rõ và phát huy mạnh mẽ.
 
Qua đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đúc rút ra 5 bài học kinh nghiệm sau cơn bão số 3, đó là: Thứ nhất, công tác dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm, từ xa. Thứ hai, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình thực tế, quyết liệt, quyết đoán, có trọng tâm trọng điểm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích của người dân, của đất nước. Thứ ba, phải đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe tài sản của Nhân dân, nhà nước lên trên hết, trước hết để huy động mọi nguồn lực phòng, chống khắc phục hậu quả bão lũ, đặc biệt là phương châm “4 tại chỗ”. Thứ tư, các Bộ, ngành, địa phương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chỉ đạo của các cấp, chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ. Thứ năm, đặc biệt coi trọng công tác truyền thông, để thông tin kịp thời, chính xác, hướng dẫn, phổ biến cho người dân kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Về nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải bảo đảm đời sống người dân. Chính phủ đã có Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục  sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương bám sát để thực hiện kịp thời.
 
Đồng thời, tiếp tục rà soát hạ tầng điện lực, giao thông, viễn thông. Tiếp tục hoàn thiện thể chế nhất là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là phải hoàn thành việc sửa đổi ngay những quy định lạc hậu, ngay trong tháng 10. 
 
Cùng với đó, hoàn thiện tổ chức theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự. Các Bộ, ngành địa phương, chậm nhất ngày 31/12, phải xây dựng xong các khu tái định cư đối với các làng bản bị vùi lấp, sập đổ nhà ở theo phương châm “mái cứng, vách cứng”.
 
Trong tháng 10 tới, các Bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành việc khôi phục trạm xá, trường học. Rà soát cơ chế, chính sách; sơ kết, tổng kết, khen thưởng các điển hình tiên tiến; xử lý tập thể, cá nhân có hành vi trục lợi, nhất là găm hàng, đội giá các mặt hàng thiết yếu.
 
Các Bộ, ngành, địa phương phải rà soát, đánh giá, đề xuất đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai; ngành Nông nghiệp cần tập trung vào bổ sung giống cây trồng, vật nuôi; chú trọng công tác vệ sinh môi trường để không để bùng phát dịch bệnh.
 
Các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính và tỉnh Phú Thọ phải hoàn thành công tác đầu tư, xây dựng cầu Phong Châu chậm nhất trong năm 2025. Kịp thời đề xuất Chính phủ những khó khăn trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ. 

Vương Vân


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t