Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024: Tháo gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp phát triển (21:58 09/10/2024)


HNP - Ngày 9/10, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”. 

Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024


Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương; chủ trì diễn đàn có đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương. Tham dự Diễn đàn còn có Lãnh đạo một số cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành và đại diện các doanh nghiệp. Dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có đồng chí Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương chỉ đạo Diễn đàn
 
Đột phá mạnh mẽ để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản 
 
Đây là lần thứ 2 Diễn đàn được tổ chức, là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027.
 
Đồng thời, chủ đề, nội dung của Diễn đàn đã bám sát tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII, trong đó nêu rõ nội dung “thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”.
 
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp, trọng tâm là những giải pháp thúc đẩy hoàn thiện thể chế pháp luật. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 04 Luật quan trọng về các lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển các hoạt động đầu tư, kinh doanh. 
 
Đồng thời, để các quy định pháp luật mới này sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội quyết định đẩy sớm thời điểm có hiệu lực của 04 đạo luật liên quan đến đất đai, bất động sản từ ngày 01/8/2024 và chỉ đạo các bộ, ngành tập trung xây dựng, trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn thi hành.
 
Bên cạnh đó, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ này với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, gỡ vướng, giảm thiểu rủi ro, chia sẻ lợi ích, hướng tới sự phát triển bền vững.
 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương phát biểu tại Diễn đàn
 
Bộ Tư pháp, Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo cũng đã kịp thời phối hợp, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo kết quả rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tập trung làm rõ những vấn đề tồn tại trong các quy định về đầu tư, sản xuất kinh doanh, đề xuất xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tổ chức ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu".
 
Với tinh thần đó, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 được tổ chức nhằm tạo cầu nối để cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp “lắng nghe tiếng nói” của nhau; tiếp tục cùng nhau xác định những vấn đề pháp lý liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. 
 
Diễn đàn này sẽ tiếp tục khẳng định cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, người dân. 
 
Các đại biểu tham gia thảo luận, giải đáp các nội dung trong Diễn đàn
 
Đồng thời, đây cũng là sự cụ thể hóa việc đổi mới tư duy triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng thể chế nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quyết tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới của Đảng và Nhà nước ta.
 
Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương, các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng đồng hành, “theo sát” và cùng cộng đồng doanh nghiệp “tháo gỡ đến cùng” các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi một cách thực chất. 
 
Hà Nội luôn tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp
 
Đại diện phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, cụ thể như: thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp do Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì.
 
Bên cạnh đó, Hà Nội nỗ lực nâng cao chỉ số cải cách hành chính, cải thiện rõ nét môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế cùng phát triển. Cải cách hành chính là việc làm cấp bách để giảm phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô trong tình hình mới. Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cũng tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL tổ chức các toạ đàm liên quan đến Bộ luật Lao động, Thuế, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản…
 
Điểm cầu thành phố Hà Nội dự Diễn đàn
 
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Thực hiện Chỉ thị, cán bộ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ. 
 
Góp ý về những vướng mắc, đại diện cho các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Ngô Anh Tuấn nêu, về Luật Thuế giá trị gia tăng, một số doanh nghiệp đề xuất Bộ Tài chính cần sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư.
 
Với dự án đầu tư, cần tập hợp hóa đơn để đủ điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng thời gian kéo dài, lâu. Do vậy, cần sửa đổi theo hướng cần xác định mốc thời gian nộp đủ hồ sơ để hưởng hoàn thuế phù hợp; có doanh nghiệp đề xuất, từ khi phát sinh doanh thu.
 
Về Thuế thu nhập doanh nghiệp (20%), áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp quy mô lớn cũng như quy mô nhỏ. Doanh nghiệp quy mô lớn được hưởng nhiều ưu đãi, chính sách đầu tư nên cần có chính sách để chuyển đổi, khuyến khích doanh nghiệp quy mô nhỏ thành quy mô lớn.

Thu Trang


Other news

  Next >>

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t