Hà Nội: Đảm bảo điều kiện tốt nhất cho năm học mới 2023-2024 (15:57 31/08/2023)


HNP - Chỉ còn vài ngày nữa, cùng với học sinh cả nước, học sinh Thủ đô sẽ chính thức bước vào năm học mới 2023-2024. Tính đến thời điểm này, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng, đồng thời, xây dựng kế hoạch, ưu tiên triển khai mọi biện pháp, quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. 

Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai tập trung chuẩn bị cho ngày khai giảng


Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất đón học sinh tựu trường
 
Toàn Thành phố hiện có hơn 2.800 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, trường học chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón học sinh tựu trường và tham dự lễ khai giảng. Tất cả các nhà trường sẽ đồng loạt tổ chức lễ khai giảng, vào buổi sáng 5/9, với yêu cầu bảo đảm trang trọng, ngắn gọn và lấy học sinh làm trung tâm, quan tâm đến học sinh đầu cấp. Sở cũng đã yêu cầu các nhà trường tổng vệ sinh môi trường, trang hoàng trường lớp, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi…
 
Ngành Giáo dục Thủ đô đã tiếp tục phát động phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm", nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng sách giáo khoa, quần áo, đồ dùng học tập… Theo đó, các nhà trường đã có kế hoạch hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc diện chính sách... để không học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể đến trường.
 
Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường có bếp ăn tập thể đã kiểm tra mọi điều kiện đáp ứng việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú và tổng vệ sinh bếp ăn. Thời điểm này, các trường đều cam kết lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cung ứng thực phẩm uy tín, đủ căn cứ pháp lý và có quy trình giám sát chặt chẽ, có sự tham gia của phụ huynh học sinh.
 
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có các văn bản hướng dẫn thu, chi đối với trường học công lập, bảo đảm công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ và tuyệt đối không được lạm thu. Trong các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới ở từng cấp học, lãnh đạo ngành đều nhấn mạnh yêu cầu, ngoài các khoản thu theo quy định các trường không được thu bất kỳ khoản nào khác; không được lợi dụng danh nghĩa cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Sở cũng lưu ý các trường không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về các khoản thu sai quy định.
 
Về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở yêu cầu thực hiện theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2011. Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thu - chi đầu năm học và công bố số điện thoại đường dây nóng để phụ huynh học sinh kịp thời phản ánh vấn đề liên quan.
 
Bảo đảm chất lượng dạy và học
 
Cô trò lớp 6A3, Trường THCS Thành Công, quận Ba Đình hân hoan trong ngày nhận lớp trước thềm khai giảng năm học mới 
 
Trước thực trạng tình trạng tăng dân số cơ học rất nhanh của thành phố Hà Nội, bình quân mỗi năm, tăng từ 50.000 đến 60.000 học sinh, tương ứng với việc cần phải xây mới từ 30 đến 40 trường học. Tuy nhiên, hiện nay, quỹ đất ở các quận hạn hẹp, việc xây mới trường học rất khó khăn. Vì vậy, Hà Nội vừa có đề nghị các cấp xem xét, cho phép Hà Nội nâng tầng các trường học ở khu vực nội thành.
 
Cùng với các giải pháp quan trọng khác đang triển khai như phát triển mạng lưới trường học; tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư cho các trường học ở địa bàn khó khăn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia..., Hà Nội đang nỗ lực khắc phục những mặt còn tồn tại, quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện, giảm dần khoảng cách về chất lượng giữa các địa bàn.
 
Theo Bộ trường Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, với áp lực từ việc gia tăng dân số cơ học, số học sinh hằng năm tăng mạnh, công tác tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những hạn chế, tồn tại được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thẳng thắn nhận diện. Sở đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó có việc tham mưu lãnh đạo Thành phố tăng cường nguồn lực đầu tư, ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học; rà soát quy hoạch mạng lưới trường học; tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp...
 
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Một trong những giải pháp quan trọng trong năm học mới là tăng cường các điều kiện hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quyết tâm tổ chức tuyển sinh trực tuyến, từ năm học 2024-2025, ở tất cả các trường. Giải pháp này nhằm tăng tính minh bạch, công khai và công bằng, từ đó, chấm dứt việc phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ.
 
Hiện nay, Thành phố có gần 123.000 giáo viên, về cơ bản Hà Nội không thiếu giáo viên; việc thiếu giáo viên chỉ xảy ra cục bộ. Để giải quyết tình trạng này, vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023, trong đó bổ sung cho ngành giáo dục 3.112 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng.
 
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa tổ chức tuyển dụng hơn 600 giáo viên các trường trực thuộc (chủ yếu là các trường trung học phổ thông); các quận, huyện, thị xã cũng đang tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học và THCS; đồng thời, triển khai ký hợp đồng với 3.112 giáo viên theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội. Như vậy, có hơn 6.000 giáo viên các cấp học được bổ sung vào đội ngũ giáo viên hiện có, đủ để các nhà trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng…

Có thể thấy, nhằm tiếp tục phát huy vai trò "đầu tàu" trong giáo dục và đào tạo, toàn ngành Giáo dục Thủ đô cũng như các địa phương đã và đang nỗ lực dành mọi điều kiện tốt nhất để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, đồng thời, thực hiện đúng theo khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh thân yêu".

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t