Phát triển hệ thống an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô (08:45 19/09/2023)


HNP - Thời gian qua, công tác giảm nghèo của thành phố Hà Nội được triển khai thực hiện có hiệu quả đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Người dân được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô.  

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân Thủ đô được tăng cường, đẩy mạnh


Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, thành phố Hà Nội đã luôn bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương và chủ động xây dựng, ban hành các chính sách đặc thù, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững. Theo đó, trên cơ sở phân tích nguyên nhân nghèo, Thành phố tập trung hỗ trợ theo các nhóm đối tượng: Đối với nhóm hộ nghèo còn sức lao động được giới thiệu việc làm thông qua các điểm, sàn giao dịch việc làm; hỗ trợ học nghề miễn phí; vay vốn tín dụng ưu đãi, tổng nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay đến nay đạt gần 6.300 tỷ đồng. Đối với nhóm hộ nghèo thiếu hụt về khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin..., được hỗ trợ từ các chính sách đặc thù của Thành phố và nguồn vận động xã hội hóa. Đối với nhóm hộ nghèo không có sức lao động, được hỗ trợ hàng tháng theo chính sách đặc thù của Thành phố, mức hỗ trợ bằng mức chuẩn nghèo của Thành phố. 
 
Ngoài các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ, chính sách đặc thù của Thành phố, các quận, huyện, thị xã đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Bên cạnh đó, công tác vận động, xã hội hóa để trợ giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm đẩy mạnh, thông qua các hoạt động như: hỗ trợ xây sửa nhà ở; hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội; tặng học bổng, xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh; hỗ trợ phương tiện cho lao động nghèo... Đặc biệt, trong 02 năm đại dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn Thành phố, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân, nhưng Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, hỗ trợ người dân từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. 
 
Với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, thành phố Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố ở khu vực nông thôn đã giảm từ 5,6% (đầu năm 2016) xuống còn 0,08% (cuối năm 2021, theo chuẩn nghèo của Thành phố giai đoạn 2016-2020); theo chuẩn nghèo của Thành phố giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn hiện còn 0,17%, trong đó, có 05 huyện không còn hộ nghèo (gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì). 
 
Từ đó, công tác giảm nghèo của thành phố Hà Nội được triển khai thực hiện có hiệu quả đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Người dân được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô. 
 
Bên cạnh việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, công tác đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn Thành phố nói chung và người lao động nông thôn nói riêng luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố và sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành của Thành phố, từ đó việc đào tạo nghề cho người lao động được triển khai tích cực, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động. 
 
Giai đoạn 2010 - 2020, thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Thành phố đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn. Kết quả, đã tổ chức đào tạo cho 217.571 người là lao động nông thôn, trong đó năm giai đoạn từ 2018 - 2020 đã tổ chức đào tạo cho 43.763 người. 
 
Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục duy trì các kết quả giảm nghèo đã đạt được, phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo, phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô. Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cấp THCS, THPT; Đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động đặc biệt là lao động nông thôn... Tăng cường sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; xây dựng các mô hình, hình thức và phương thức hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để nâng cao khả năng có việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo. Tổ chức đào tạo chất lượng, hiệu quả góp phần tích cực giải quyết việc làm tại chỗ, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. 

Thu Uyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t