Không thể lơ là trong phòng, chống thiên tai (16:16 18/09/2023)


HNP - Từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế - xã hội. Bằng sự chủ động, tích cực của các cấp, các ngành, thành phố Hà Nội đã ứng phó kịp thời với các tình huống mưa lũ. Tuy nhiên, theo dự báo, tình hình thiên tai những tháng cuối năm vẫn còn diễn biến phức tạp, vì vậy, không thể lơ là chủ quan.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trao thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn


Chủ động ứng phó kịp thời
 
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Thành phố chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, trong đó, có những đợt nắng nóng khiến nhiệt độ luôn ở mức cao và kéo dài. Ngoài ra, một số trận mưa lớn gây úng ngập trên diện rộng trong khu vực nội thành, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Trước tình hình đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của Thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
 
Trao đổi về công tác ứng phó với thiên tai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Duy Du cho biết, ngay từ đầu năm 2023, UBND Thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt tới các cấp, các ngành, địa phương nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện các chương trình, phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với thiên tai phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, đơn vị. 
 
Nhận định tình hình mưa bão có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo các Hạt Quản lý đê phối hợp với Phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã triển khai tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ; xác định các trọng điểm và các điểm đê xung yếu. Trên cơ sở kết quả kiểm tra đã lập phương án bảo vệ, phương án hộ đê…
 
 Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội phối hợp với huyện Mê Linh tổ chức diễn tập xử lý sự cố đê tả Cà Lồ, đoạn thuộc xã Tráng Việt
 
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, như: Xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở; rà soát, kiểm tra và chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết để ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả), không để bị động bất ngờ.
 
Với sự chủ động, tích cực của các cấp, các ngành, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của Thành phố đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào các mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội của thành phố trong năm 2023.
 
Đề phòng những yếu tố bất thường
 
Theo dự báo, tình hình mưa bão từ nay đến cuối năm 2023 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Trên biển Đông khả năng xuất hiện 3-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 1-2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Cần đề phòng những cơn bão diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.
 
Để chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là những yếu tố bất thường với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn có thể xảy ra, theo ông Nguyễn Duy Du, các cấp, các ngành của thành phố cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai và các chỉ đạo của Trung ương, của Thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống thiên tai và hướng dẫn kỹ năng nhận biết và cách thức ứng phó thiên tai cho cộng đồng, nhất là việc chủ động các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả với bão, mưa lũ, úng ngập... để chủ động phòng ngừa, ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây…
 
Hà Nội tăng cường đầu tư bảo đảm an toàn hệ thống đê điều
 
Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đó là rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra úng ngập kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng dân cư để có biện pháp ứng phó kịp thời; kiểm tra các công trình đê, kè, hồ đập, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng để kịp thời sửa chữa, khắc phục và có phương án bảo đảm an toàn; tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, nhất là các vi phạm mới phát sinh theo đúng quy định của pháp luật.
 
Mặt khác, rà soát phương án ứng phó thiên tai, trong đó cập nhật kịch bản, phương án ứng phó tình huống xảy ra bão mạnh, mưa lũ lớn kéo dài nhiều ngày trên địa bàn; củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, xác định rõ phòng, chống, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng dân cư. Khi có thiên tai xảy ra, cần huy động tổng hợp các lực lượng trên địa bàn, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, nhất là lực lượng xung kích cấp xã, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện và các yếu tố bảo đảm để triển khai nhiệm vụ kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thu Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t