Chung tay khôi phục các lễ hội truyền thống Hà Nội (15:46 29/09/2023)


HNP - Thời gian gần đây, rất nhiều lễ hội truyền thống của Hà Nội với các nghi thức độc đáo đã được khôi phục. Cùng với sự nỗ lực của các nhà quản lý văn hóa, để làm được điều này, không thể không nhắc tới vai trò của cộng đồng bởi cộng đồng chính là chủ thể của di sản, sự cố kết của cộng đồng tạo nền tảng để di sản có thể hồi sinh và có đời sống lâu bền.

Lễ hội chùa Láng diễn ra với nhiều điểm mới


Với vị trí là trung tâm văn hóa của cả nước, Hà Nội xác định đầu tư phát triển văn hóa được đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác. Nhất là khi Thành ủy Hà Nội ban hành cả một chương trình và Nghị quyết liên quan đến phát triển văn hóa thì hoạt động văn hóa Thủ đô trở nên sôi động hơn, nhiều loại hình văn hóa mới xuất hiện, nhiều giá trị cũ được khôi phục, trong đó có cả lễ hội. 
 
Với 1.206 lễ hội trải dài khắp trong năm, trong đó, tập trung vào mùa Xuân, lễ hội Hà Nội được coi là nguồn lực lớn để thúc đẩy thu hút khách du lịch. Nhất là khi du lịch văn hóa là lợi thế của du lịch Hà Nội, luôn nhận được sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Điều đó có thể nhìn thấy qua lễ hội chùa Hương, lễ hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, lễ hội Cổ Loa...
 
Có thể thấy, sau một thời gian dài vắng bóng hoặc thiếu những nghi thức truyền thống được coi là giá trị cốt lõi, thời gian gần đây, các lễ hội truyền thống, các nghi thức trong lễ hội tại Hà Nội đang dần được hồi sinh. Điển hình phải kể đến lễ hội chùa Láng. Năm 2023, lễ hội chùa Láng (quận Đống Đa) diễn ra với nhiều điểm mới, trong đó nổi bật là việc phục dựng, thực hành các nghi thức cổ xưa, từng làm nên nét đặc sắc riêng của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Hấp dẫn nhất là nghi thức rước kiệu Thánh dọc sông Tô Lịch, kiệu không đi trên cầu mà đi trên sông, gọi là nghi thức “Độ hà”, rồi tiếp tục sang bờ bên sông, đến chùa Hoa Lăng thăm “Thánh Mẫu”. Bên cạnh đó, lễ hội chùa Láng cũng khôi phục diễn “Hội Thánh” sôi nổi, ngoạn mục thu hút nhiều người tham gia.
 
Lễ hội 5 làng Mọc là lễ hội dân gian được nhân dân địa phương nắm giữ, thực hành, trao truyền qua các thế hệ
 
Tương tự như các lễ hội truyền thống khác, lễ hội 5 làng Mọc là lễ hội dân gian được nhân dân địa phương nắm giữ, thực hành, trao truyền qua các thế hệ. Từ khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội 5 làng Mọc, một lễ hội dân gian bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng Mọc anh em gồm: Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân, Phùng Khoang, thuộc quận Thanh Xuân và quận Nam Từ Liêm, đã thực hành các nghi thức đầy đủ và bài bản hơn. Năm nay, lễ hội tổ chức với nhiều nghi thức như: Lễ rước kiệu, tế hội đồng, múa hát và các trò chơi dân gian…
 
Cùng với đó, một số lễ hội khác như: Lễ hội đền Đồng Cổ, Thập tam trại, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh… cũng phục dựng nhiều nghi lễ truyền thống. Các lễ hội đều thu hút sự chung tay của cộng đồng tham gia gìn giữ, thực hành, trao truyền di sản. Đặc biệt, nếu không có vai trò của cộng đồng thì các lễ hội không thể khôi phục tốt các nghi thức truyền thống. Không chỉ lưu trữ ở các tư liệu cổ mà chính các bậc cao niên trong làng là “kho lưu trữ” các tích cổ, các nghi thức cổ truyền. Sự chung tay, đồng lòng của cộng đồng đã giúp các nghi thức có cơ hội “sống” lại, trở về với vị trí vốn có của nó.
 
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh phục dựng nhiều nghi lễ truyền thống
 
Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cộng đồng có vai trò rất lớn khi cơ quan quản lý xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các lễ hội và giúp các địa phương phục dựng các nghi thức cổ. Do sự thay đổi của các giai đoạn xã hội, nhiều lễ hội bị mai một, nhiều nghi thức truyền thống đi mất đi khiến cộng đồng dân cư, nhất là các bậc cao niên thường tiếc nuối. Khi địa phương có điều kiện khôi phục lại, nhân dân trong vùng thường rất nhiệt tình, huy động mọi tầng lớp tham gia.
 
Các lễ hội truyền thống ở các làng hay trong phố của Hà Nội đang cố gắng duy trì những giá trị vốn có của lễ hội, đồng thời, khai thác triệt để hơn những gì bị quên lãng hay mai một để các lễ hội truyền thống trở lại như xưa và sáng tạo thêm những giá trị mới phục vụ cho cuộc sống hôm nay. Hơn nữa, lễ hội truyền thống luôn đi cùng phong tục tập quán của cư dân địa phương, các sản phẩm ẩm thực, nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn... là nguồn lực để khai thác cho phát triển kinh tế của Hà Nội.
 
Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế ngày càng đi lên thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa cũng tăng theo, người ta tìm về giá trị truyền thống cũ cũng nhiều hơn. Việc phục hồi các lễ hội truyền thống không nằm ngoài xu hướng đó, vừa bảo tồn các giá trị truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t