Sôi nổi Hội thi “Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi” thành phố Hà Nội, lần thứ I - năm 2023 (15:52 31/10/2023)


HNP - Sáng 31/10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Chung khảo Hội thi “Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi” thành phố Hà Nội, lần thứ I - năm 2023”. Tới dự Hội thi có Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Phạm Anh Tuấn; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; đại diện lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã.

Ban Tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đội thi tham dự


Phát biểu khai mạc Hội thi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Hội thi “Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi” thành phố Hà Nội lần thứ I - năm 2023 được tổ chức từ tháng 8/2023. Đây là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn Thành phố. 
 
Thông qua Hội thi nhằm nâng cao vị trí, vai trò của cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý về di tích, lễ hội tại địa phương. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội, quán triệt sâu sắc trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể các cấp về trách nhiệm đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đồng thời, đây cũng là dịp tạo cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm triển khai có hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.
 
Hội thi “Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi” thành phố Hà Nội lần thứ I - năm 2023 đã nhận được sự tham gia tích cực của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Vòng Sơ khảo có sự tham gia của 28 quận, huyện, thị xã, với 28 video clip dự thi chất lượng, đáp ứng được tiêu chí của Hội thi, đã nêu được những nét đặc trưng về văn hóa, nhất là phần di sản phi vật thể ở mỗi địa phương.
 
Phần thi Chào hỏi của đội thi đến từ Thị xã Sơn Tây
 
Vòng Chung khảo hôm nay, có sự tham gia của 10 đội tuyển thuộc các quận, huyện, thị xã: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Sơn Tây, Đông Anh, Thanh Oai, Hoài Đức, Thạch Thất.
 
Các đội thi tham gia 3 phần thi: Chào hỏi, kiến thức và thuyết trình. Với phần thi chào hỏi, các đội thi đã giới thiệu khái quát một số nét chính của địa phương, giới thiệu về di sản văn hóa, di tích, lễ hội đặc sắc, tiêu biểu tại địa phương mình, kết quả nổi bật trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong năm 2022-2023 bằng hình thức sân khấu hóa như ca nhạc, kịch ngắn, hò, vè. 
 
Các đội thi tham gia phần thi Kiến thức
 
Với phần thi Kiến thức, các đội dự thi theo hình thức trả lời bộ câu hỏi kiến thức về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố. 
 
Cuối cùng là phần thi thuyết trình, các đội thi trình bày về việc triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương, các giải pháp thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động di tích và lễ hội. 
 
Phần thi thuyết trình của đội Long Biên
 
Là một trong những cán bộ phụ trách công tác lễ hội của Phòng Văn hóa và Thông tin quận Long Biên tham gia Hội thi, thí sinh Phùng Thị Thuý cho hay: Trên địa bàn quận Long Biên hiện có 87 di sản văn hóa. Trong đó, có 36 di sản văn hoá phi vật thể lễ hội truyền thống. Hiện có 4 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Trong số đó, tiêu biểu là di tích lịch sử quốc gia Đình Lệ Mật có nghi thức lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014. Và đặc biệt, Điệu múa dân vũ Diệt Giảo Long của làng Lệ Mật là 1 trong 7 điệu múa cổ của Hà Nội. Hằng năm, công tác quản lí và tổ chức 36 lễ hội được quận Long Biên triển khai bài bản, đảm bảo theo quy định, đảm bảo an toàn trên các lĩnh vực như an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn phòng cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, các nghi lễ được diễn ra theo truyền thống của từng địa phương, phát huy giá trị. 
 
“Chúng tôi tham dự Hội thi với mục đích giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm triển khai có hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội và triển khai thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở…”, thí sinh Phùng Thị Thuý chia sẻ.
 
Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng chia sẻ tại Hội thi
 
Tới dự và cổ vũ cho Hội thi, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng chia sẻ: Thị xã Sơn Tây có 244 di tích, trong đó có 19 di tích cấp quốc gia và 61 cấp thành phố, đó là những tài sản, những giá trị lịch sử văn hóa vô cùng to lớn. Hội thi lần này chính là dịp để nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ thực thi nhiệm vụ tại địa phương, thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở cơ sở. Đồng thời cũng là cơ hội để Sơn Tây tiếp tục giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, đất nước, con người Thủ đô cũng như Thị xã.
 
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh trao giải Nhất cho đội thi huyện Đông Anh
Ban Tổ chức trao giải Nhì cho các đội thi
Ban Tổ chức trao giải Ba cho các đội thi
 
Kết quả Chung cuộc, trên cơ sở đánh giá, nhận xét từ phía Ban Giám khảo, Ban Tổ chức Hội thi đã thống nhất trao 04 giải Khuyến khích, 03 giải Ba và 02 giải Nhì. Vượt qua các đội thi, các thí sinh của đội thi đến từ huyện Đông Anh đã xuất sắc giành giải Nhất Hội thi với các phần thi đầy ấn tượng.
 
Ban Tổ chức và các đội thi chụp ảnh lưu niệm
 
PGS, TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Trưởng ban Giám khảo Hội thi đánh giá, mỗi đội thi đã có những phần thi với các nội dung sân khấu hóa rất phong phú và đặc sắc. Các đội cũng đã cố gắng trình bày một cách tốt nhất những hiểu biết của mình về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đồng thời trao đổi cởi mở về những kinh nghiệm từ thực tiễn trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội tại địa phương.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t