Bảo đảm hành lang an toàn lưới điện cao áp trong quá trình thi công các dự án (14:40 14/11/2023)


HNP - Ngày 14/11, Sở Công Thương Hà Nội (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển điện lực Thành phố) tổ chức Hội nghị phối hợp triển khai công tác đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cao áp trong quá trình thi công, xây dựng các dự án, công trình năm 2023.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng phát biểu tại Hội nghị


Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết: Bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đã được pháp luật về điện lực quy định, gồm: Trách nhiệm bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện, trách nhiệm phối hợp thực hiện khi xây dựng, cải tạo công trình điện lực và các công trình khác. Theo các quy định hiện hành, hệ thống các văn bản pháp luật đã quy định rất rõ về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, các chế tài xử lý cũng được điều chỉnh theo hướng ngày càng nghiêm khắc; trách nhiệm phối hợp của các tổ chức, cá nhân liên quan cũng được UBND thành phố Hà Nội ban hành rất cụ thể. Các sở, ngành thành phố, các đơn vị điện lực cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền kiểm tra, cảnh báo nhằm ngăn ngừa các vi phạm có thể xảy ra.
 
Tuy nhiên, theo tổng hợp của các đơn vị điện lực, trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn Thành phố vẫn có nhiều vụ vi phạm an toàn hành lang lưới điện xảy ra. Toàn Thành phố ghi nhận hơn 70 vụ sự cố lưới điện cao áp thì có trên 30 vụ sự cố do thi công vi phạm khoảng cách an toàn gây phóng điện hoặc đào vào cáp ngầm mà chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp theo quy định, ngoài ra còn ghi nhận hơn 10 vụ sự cố do chăn thả diều, vật bay, câu cá, trong đó có thiệt hại cả về người và tải sản, làm gián đoạn cung cấp điện nhiều khu vực. Nhiều vụ việc gây khó khăn phức tạp cho các cơ quan xử lý do phương tiện vi phạm có giá trị lớn bắt buộc phải xử lý tịch thu theo quy định. Trong những ngày gần đây, Sở Công Thương còn liên tiếp nhận được báo cáo của truyền tải điện Hà Nội báo cáo về những vụ việc vi phạm hành lang ở mức nghiêm trọng, như: Vụ việc thi công đường tại huyện Thường Tín; vụ việc thi công đào làm lộ cả móng néo đường dây 220kV Hà Đông - Phủ Lý đoạn qua địa bàn huyện Thanh Oai…
 
Để bảo đảm hành lang an toàn lưới điện cao áp trong quá trình thi công, xây dựng các dự án, công trình, các cơ quan, đơn vị dự hội nghị đã thống nhất một số nội dung. Cụ thể, các sở, ngành: Công an thành phố, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải căn cứ chức năng nhiệm vụ được UBND Thành phố giao tại Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND ngày 03/3/2022, tổ chức phối hợp chặt chẽ trong công tác cấp phép, giám sát sau cấp phép thi công xây dựng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, phối hợp xử lý với các nội dung phát sinh thuộc thẩm quyền.
 
Đại diện các đơn vị tham gia ký cam kết ghi nhớ
 
UBND các quận huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị điện lực đang quản lý vận hành lưới điện truyền tải, phân phối trên địa bàn thiết lập lại các hồ sơ vi phạm đang còn tồn tại, phân loại vi phạm và thực hiện ưu tiên xử lý đối với trường hợp đặc biệt nguy hiểm theo kế hoạch đặt ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Không được để vi phạm mới phát sinh; chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp công ty điện lực địa phương, Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội, Truyền tải điện Hà Nội kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn của các chủ đầu tư đang thi công xây dựng công trình trong hoặc gần hàng lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, công tác cấp phép và giám sát cấp phép các công trình có liên quan; yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện ngay việc thỏa thuận với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp bảo vệ an toàn khi thi công xây dựng công trình trong hoặc gần hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp...
 
Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, Công ty Truyền tải điện 1 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Ban Chỉ đạo phát triển điện lực các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuyên truyền và sử dụng biện pháp kỹ thuật để cảnh báo, phòng ngừa, phối hợp trong thực hiện các dự án, hỗ trợ các chủ đầu tư dự án trong lập phương thức vận hành phù hợp (có thể cắt điện khi cần thiết) để các nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ các thi công xây dựng đồng thời nhằm ngăn chặn không để các vụ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp xảy ra.
 
Đối với các chủ đầu tư đang thi công trong hoặc gần hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát thực hiện ngay quy định thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp về các biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết khi thực hiện thi công xây dựng công trình trong hoặc gần hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo quy định. Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện thỏa thuận với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp an toàn khi thi công, gây sự cố lưới điện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử lý nghiêm theo các quy định hiện hành. Đồng thời, rà soát lại tất cả phương án thi công của các nhà thầu, năng lực kinh nghiệm của cán bộ tham gia, tổ chức huấn luyện về an toàn điện cho cán bộ, công nhân liên quan để nâng cao ý thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho lưới điện cũng như an toàn lao động trên công trường...

Thu Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t