Nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị quyết về mức hỗ trợ hàng tháng cho cán bộ không chuyên trách cơ sở (18:58 14/11/2023)


HNP - Chiều 14/11, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đã chủ trì Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về chức danh, cơ cấu, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; ở thôn, tổ dân phố; mức hỗ trợ hàng tháng, mức hỗ trợ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị-xã hội; mức hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị


Đóng góp vào Dự thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định cần sớm ban hành Nghị quyết này để phù hợp các văn bản QPPL mới ban hành và thay thế cho các nghị quyết đã ban hành để phù hợp thực tiễn. Theo ông, các chính sách đưa ra trong dự thảo Nghị quyết cơ bản bám rất sát các quy định pháp luật nhất là sát với Nghị định 33 và điều kiện thực tế ở Hà Nội hiện nay.
 
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh phát biểu ý kiến
 
Bên cạnh đó, mức tăng phụ cấp cho các chức danh trực tiếp cũng như kiêm nhiệm ở cấp xã và cấp thôn, tổ dân phố đều là phù hợp. Tuy nhiên, ông cho rằng về mức phụ cấp kiêm nhiệm cần có định hướng các chức danh có thể kiêm nhiệm ở cấp xã, thôn, tổ dân phố để thực hiện được thống nhất, xem các đối tượng và chức danh nào có thể kiêm nhiệm cho phù hợp. 
 
Riêng về mức khoán kinh phí hoạt động đối với MTTQ, cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã cần căn cứ trên cơ sở nội dung, khối lượng hoạt động và tiền hội phí, đoàn phí… của từng tổ chức, chứ không nên cào bằng giữa các tổ chức. Đặc biệt, mức khoán kinh phí hoạt động đối với MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn TNCS HCM cấp xã (với xã phường loại 1 là 72 triệu đồng/tổ chức/năm, loại 2 là 66 triệu đồng/tổ chức/năm và loại 3 là 60 triệu đồng/tổ chức/năm) có cao hơn so với Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND nhưng còn thấp so với thực tế hoạt động và mức tăng lương cơ sở (tăng 63%, từ 1.150.000 lên 1.800.000 đồng) trong khi đó quy định chỉ tăng 50%.
 
Hơn nữa, nhiều ý kiến đề nghị xem xét chuẩn bị rà soát lại tiêu chuẩn của người hoạt động không chuyên trách, vì từ ngày 01/7/2023, thực hiện cải cách chế độ tiền lương, không còn lương cơ sở nữa, trong khi mức phụ cấp thực hiện theo Nghị quyết này căn cứ vào lương cơ sở.
 
Tại Hội nghị, ông Vũ Thành Vĩnh, Thành viên HĐTV Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng cần sớm ban hành Nghị quyết này để thu hút, động viên, khuyến khích người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng công tác, yên tâm gắn bó để nỗ lực đạt kết quả cao hơn. Theo ông, các nội dung trong các dự thảo không những đúng thẩm quyền, đủ căn cứ pháp lý, cơ sở lý luận, tính khoa học mà còn sát thực tiễn. “Đây là dự thảo thấu tình đạt lý, hợp lòng dân”, ông Vĩnh chia sẻ.
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mỹ Đức Trịnh Xuân Hương đóng góp ý kiến
 
Ông Trịnh Xuân Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mỹ Đức đề xuất tăng mức phụ cấp hàng tháng đối với Trưởng ban Công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố bằng mức phụ cấp hàng tháng của các chức danh Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố do nhiệm vụ này đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức để hoàn thành và sẽ góp phần động viên, khích lệ, tương xứng với thời gian, cường độ lao động của Trưởng ban công tác Mặt trận. Đồng thời, đề nghị bổ sung chức danh Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban Thanh tra nhân dân được hưởng mức bồi dưỡng hàng tháng do Chi bộ nông thôn thường có số đảng viên đông, nhiều chi bộ có số lượng trên 100 đảng viên nên phát sinh nhiều nhiệm vụ so với chi bộ khác. Ngoài ra, đề nghị nâng mức khoán kinh phí hoạt động đối với Ủy ban MTTQ cấp xã vì hàng năm, ngoài các nhiệm vụ hoạt động chung như các tổ chức chính trị-xã hội khác, hàng năm, Ủy ban MTTQ cấp xã còn có nhiều nhiệm vụ đặc thù.
 
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn phát biểu tiếp thu các ý kiến
 
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn trân trọng tiếp thu 11 ý kiến đóng góp của các đại biểu. Cảm ơn các ý kiến thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tâm huyết của các đại biểu đối với Dự thảo Nghị quyết, đồng chí cũng làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm và sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết.
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương cảm ơn, tiếp thu và thống nhất cao với các ý kiến phát biểu tại hội nghị. Đồng chí đề nghị Sở Nội vụ, đối với những ý kiến phù hợp, cần tiếp thu, điều chỉnh và báo cáo Ban cán sự Đảng UBND Thành phố để có phương án tối ưu, phù hợp nhất trong thời điểm này.
 
Thống nhất cao với dự thảo Nghị quyết, đồng chí Nguyễn Lan Hương cho rằng quy trình được Sở Nội vụ chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng. Đối với các kiến nghị, đề xuất, đề nghị Sở Nội vụ tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết sát với thực tiễn.

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t