Tọa đàm trao đổi về di sản văn hóa phi vật thể “Nghi lễ và trò chơi Kéo co” (14:46 17/11/2023)


HNP - Sáng 17/11, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội di sản văn hoá Việt Nam và quận Long Biên tổ chức Tọa đàm “Giáo dục di sản kéo co”. Đây là một trong chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Liên hoan, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại “Nghi lễ và trò chơi Kéo co”, diễn ra song song và đồng thời với Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.  

Quang cảnh Tọa đàm “Giáo dục di sản kéo co”


Tọa đàm có sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc), các bảo tàng, di tích và trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mục đích của Tọa đàm là chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Nghi lễ và trò chơi Kéo co nói riêng.
 
Tại sự kiện, Bảo tàng Kéo co Gijisi đã trao tặng Hộp giáo dục Kéo co cho Bảo tàng Hà Nội, trình diễn di sản Nghi lễ và trò chơi Kéo co Gijisi của Hàn Quốc và hoạt động trải nghiệm dành cho công chúng, học sinh sinh viên.
 
Sinh viên trải nghiệm Nghi lễ và trò chơi Kéo co Gijisi của Hàn Quốc
 
Tổ chức trải nghiệm trò chơi kéo co cho sinh viên Việt Nam trải nghiệm, ông Jeong Seok Yong, Thư ký Hội kéo co Gijisi chia sẻ: Sợi dây kéo co trình diễn hôm nay dài 200 mét, mỗi bên 100 mét. Theo văn hoá Hàn Quốc, mỗi bên dây biểu trưng cho làng trên (khu vực có nước) và làng dưới (khu vực không có nước). Dây thi đấu được làm bằng rơm, thực tế trong các lễ hội ở thành phố Dangjin, dây thi đấu nặng đến 40 tấn, với sự tham gia của hàng chục nghìn người”. Sau đó, học sinh, sinh viên tiếp tục tham gia trải nghiệm kéo co ngồi (quận Long Biên, Hà Nội).
 
Tại buổi tọa đàm, đại diện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giáo dục di sản văn hoá.
 
Trao đổi về công tác giáo dục di sản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thông qua các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, Thạc sĩ Lê Thị Liên, Phòng Giáo dục, công chúng - Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: Kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống, quen thuộc đối với mọi người dân Việt Nam. Trò chơi này đòi hỏi sự đoàn kết, sức mạnh đồng đội và luôn là hoạt động hấp dẫn nhất ở các lễ hội truyền thống hoặc các sự kiện có đông người tham gia.
 
Năm 2015, Kéo co đã được Unesco ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippin) và trở thành môn thi đấu thể thao phổ biến hiện nay ở Việt Nam và một số nước trên thế giới. Ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, kéo co là trò chơi dân gian được ứng dụng nhiều nhất trong các chương trình giáo dục di sản (theo thống kê số lượng chương trình giáo dục có sử dụng các trò chơi dân gian thì trò chơi kéo co chiếm đến 85-90%).
 
Đặc biệt, đối với các chương trình tìm hiểu về nhân vật, sự kiện lịch sử, khi phân tích về nguyên nhân thắng lợi của sự kiện, các cán bộ giáo dục của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng thường sử dụng hình ảnh trò chơi kéo co để phân tích, chứng minh về sức mạnh của sự đoàn kết trong các cuộc kháng chiến và tinh thần đồng đội, hiệp sức, đồng lòng để làm nên thắng lợi chung của cả dân tộc.
 
Bảo tàng Kéo co Gijisi trao tặng Hộp giáo dục Kéo co cho Bảo tàng Hà Nội
 
Ở Việt Nam trong những năm gần đây, sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đã quy định cụ thể trong thể chế về việc lồng ghép nội dung giảng dạy học di sản văn hóa vào các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông.
 
Theo các chuyên gia, khi tích hợp nội dung di sản với chương trình học trên lớp sẽ giúp bài học trở nên sinh động hơn nhờ các hoạt động trải nghiệm với nội dung di sản. Yêu cầu tích hợp các nội dung của di tích với các môn học gắn với yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng của mỗi khối lớp sẽ giúp cho các chủ đề giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với nhận thức của từng đối tượng học sinh, lượng kiến thức quá khó hay quá dễ đều khiến cho chủ đề giáo dục di sản tại di tích giảm tính hấp dẫn, không thu hút được các em.
 
* Ngày 17/11, Triển lãm “Chung một sợi dây” trưng bày bài viết và hình ảnh giới thiệu giá trị, ý nghĩa và hình thức Nghi lễ và trò chơi kéo co tại bốn nước (Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam) sẽ được tổ chức tại đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên.
 
Ngày 18/11, Tọa đàm quốc tế "Bảo vệ và phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại" cũng diễn ra tại đền Trấn Vũ. Cùng ngày, công chúng sẽ được chứng kiến màn thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co với sự tham gia của Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc) và 7 cộng đồng kéo co tại Việt Nam, gồm: Kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (quận Long Biên, Hà Nội); Kéo mỏ ở thôn Xuân Lai (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); Kéo mỏ ở thôn Ngải Khê (huyện Phú Xuyên, Hà Nội); Kéo co ở thôn Hữu Chấp (Bắc Ninh); Kéo song ở thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc); Kéo co ở thôn Hòa Loan (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) và kéo co của cộng đồng người Tày (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t