Tham dự Tọa đàm có lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí, nhà khoa học, chuyên gia về đông y và nhân dân các xã miền núi huyện Ba Vì có truyền thống trồng cây thuốc Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, khu vực núi Ba Vì có nhiều tiềm năng lớn về thổ nhưỡng, địa lý để phát triển cây dược liệu. Toàn huyện có hơn 500 loài dược liệu, trong đó có nhiều loài quý và đặc hữu được người Dao dùng làm thuốc chữa bệnh. Huyện Ba Vì hiện có 3 thôn: Hợp Sơn, Hợp Nhất, Yên Sơn (xã Ba Vì) được công nhận là làng nghề thuốc truyền thống. Hiện, nghề thuốc Nam phát triển cả 3 thôn, khoảng 80% gia đình trồng, thu hái, sơ chế, chữa bệnh từ các cây dược liệu. Trong đó, thôn Yên Sơn có khoảng 250/250 hộ đều làm nghề thuốc và thôn được công nhận là làng nghề thuốc Nam. Thôn Hợp Sơn có 271 hộ làm nghề thuốc. Ba Vì cũng thành lập Hội Đông y Ba Vì với trên 477 hội viên.
Hầu hết nguồn dược liệu Ba Vì được phát triển tự nhiên, khai thác tự phát nhiều năm nay, do đó, nguồn cây dược liệu dần giảm đi. Đáng chú ý có nhiều loại cây thuốc quý, như: Hà thủ ô đỏ, cây huyết dòng, cây bổ máu… là các loại cây sống trên núi, được y học đánh giá cao, cần được bảo tồn. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì mong muốn buổi tọa đàm sẽ đề ra được các giải pháp để phát triển nguồn dược liệu quý của huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh phát biểu tại Tọa đàm
Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm các đại biểu đã tập trung trao đổi, bàn các giải pháp hữu hiệu nhằm phục hồi, khai thác, bảo tồn, phát triển cây thuốc nam đặc hữu vùng miền núi Ba Vì; đề xuất các biện pháp cụ thể, tạo sinh kế bền vững từ cây dược liệu cho người dân bản địa, đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam Phạm Minh Củng, nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế, đối với địa bàn huyện Ba Vì cần quan tâm hơn đến phát triển dược liệu trên địa bàn. Ngoài ra, hơn 500 cây thuốc của Ba Vì cần được khảo sát, kiểm kê lại, qua đó xác định được những cây thuốc quý, hiếm, có giá trị sử dụng, giá trị kinh tế cao để bảo tồn, phát triển, sử dụng hiệu quả. Đồng thời, huyện cần xây dựng vùng trồng dược liệu chuyên canh để giúp truy xuất nguồn gốc; đưa khoa học vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, sử dụng cây dược liệu an toàn, hiệu quả…
Trong khi đó, Thiếu tướng Đỗ Thế Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đông y Việt Nam nêu quan điểm là huyện Ba Vì cần chọn lọc cây gì để phát triển, để bảo tồn. Nếu trồng ồ ạt, trồng xong thì người dân không biết bán cho ai. Do đó, rất cần chọn lọc, điều tra cơ bản các bài thuốc hay của đồng bào dân tộc Ba Vì để bảo tồn đi kèm với phát triển dược liệu.
Về việc bảo tồn và phát triển nguồn cây dược liệu, Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho rằng, để cây dược liệu phát triển, trong thời gian tới, huyện Ba Vì cần hình thành vùng chuyên canh tập trung để kiểm soát chất lượng từ vùng trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Huyện đang có 8 xã có lợi thế phát triển cây dược liệu, nhưng cần quy hoạch cụ thể để mỗi xã trồng loại nào cho phù hợp.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua Nguyễn Mạnh Thản phát biểu tại Tọa đàm
Đại diện cơ quan tham mưu cho Thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cũng đưa ra những giải pháp quan trọng để Ba Vì làm tốt công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Đồng thời cho biết, Ban Dân tộc Thành phố ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tại tọa đàm và sẽ tham mưu UBND Thành phố để thực hiện tốt hơn công tác phục hồi, bảo tồn và khai thác cây dược liệu của huyện Ba Vì nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung trong phát triển kinh tế, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi toạ đàm “Phục hồi và bảo tồn, khai thác cây dược liệu của các xã miền núi trên địa bàn huyện Ba Vì gắn với xây dựng nông thôn mới"
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua Nguyễn Mạnh Thản đề xuất UBND huyện Ba Vì chủ trì về kế hoạch phát triển dược liệu Ba Vì; đưa ra nhiều phương án phát triển dược liệu phục vụ y học cổ truyền kết hợp với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế của huyện; quy hoạch vùng trồng dược liệu. Cần có tư duy, có thị trường, yêu cầu đăng ký nhãn hiệu bài thuốc, đăng ký sáng chế để cơ quan có liên quan cấp phép cho việc sử dụng sản phẩm như hàng hóa, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế, ngăn chặn tình trạng sử dụng, sản xuất thuốc tự phát…