Toạ đàm “Vai trò đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp Thủ đô” là một trong chuỗi 6 hoạt động chính của sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 gồm: Lễ khai mạc; Toạ đàm “Vai trò đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp Thủ đô”; Chuỗi diễn đàn kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024; Trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ năm 2024, kết nối cung cầu công nghệ và Lễ bế mạc.
Tham luận tại chương trình, ông Nguyễn Trường Phi, Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã hệ thống lại những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ Chính phủ đối với doanh nghiệp Thủ đô. Dựa trên hệ thống văn bản pháp luật, việc hỗ trợ cụ thể hoá vào 4 hình thức, gồm: hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực; hỗ trợ trang thiết bị, công nghệ và hỗ trợ tín dụng.
Ông Nguyễn Trường Phi, Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo tham luận tại Toạ đàm
Theo ông Nguyễn Trường Phi, có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như: quy định trong Nghị định 13/2019/NĐ-CP đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ được hưởng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; chính sách miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước và ưu đãi tín dụng…Hay Luật Công nghệ cao năm 2008 và Quyết định 19/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định, doanh nghiệp nông nghệ cao cũng được hỗ trợ 80% kinh phí nghiên cứu, mua công nghệ; miễn giảm tiền sử dụng đất; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước…
TS. Dương Thị Kim Liên, Viện trưởng Viện Hỗ trợ Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp cho rằng, đổi mới sáng tạo là chìa khóa phát triển bền vững cho doanh nghiệp Thủ đô. Đồng thời nhận định, 2024 là năm mở ra chương mới, vận hội mới cho các doanh nghiệp công nghệ Việt vì 5 lý do: Là năm phổ cập hạ tầng số với những bước hoàn thiện thể chế; Thương mại hoá 5G - bước tiến vượt bậc trong viễn thông; Sự hội tụ và phát triển nhanh chóng của công nghệ mới; Cơ hội phát triển của ngành bán dẫn và Sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ công nghệ, các giải pháp bảo mật mới và tiên tiến.
TS. Dương Thị Kim Liên, Viện trưởng Viện Hỗ trợ Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp tham luận tại chương trình
TS. Dương Thị Kim Liên nhận định, hoạt động đổi mới sáng tạo đi kèm với nhiều cơ hội và cả thách thức đối với các doanh nghiệp. Công nghệ số là động lực chính để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Theo đó, nhắn nhủ với các doanh nghiệp hãy chủ động nắm bắt cơ hội, vượt qua những thách thức và xây dựng một tương tai tươi sáng cho doanh nghiệp của mình, bời vì trong một thế giới đang thay đổi không ngừng, đổi mới chính là chìa khóa để thành công.
Tại Toạ đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đóng góp ý kiến tham luận về thị trường tài chính và quỹ đầu tư mạo hiểm - Nguồn lực hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu - Động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo.